Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Giới thiệu về Thư viện

Sau ngày khánh thành vào tháng 2 năm 1972, Thư viện Quốc gia mở cửa ngay để vừa phục vụ độc giả, vừa tổ chức và sắp xếp lại tất cả phần việc chuyên môn theo tiêu chuẩn mới.
Lúc đó Thư viện Quốc gia có hơn 200.000 cuốn sách: Việt, Anh, Pháp, Trung Hoa .v.v... Trong số này có những cuốn sách được in từ thế kỷ 16. Thư viện Quốc gia còn sưu tập các nhật báo và tạp chí gồm 2.154 ấn phẩm định kỳ và 602 tạp chí khác nhau đã đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Tài liệu tại Thư viện Quốc gia được sắp xếp theo hệ thống thập phân của Dewey.
Ngoài những người đến đọc sách tại chỗ, Thư viện Quốc gia còn cho mượn về nhà. Phòng đọc sách cho người lớn có thể chứa 500 độc giả và phòng đọc sách Nhi đồng có thể đón nhận khoảng 300 em. Từ 02-1972 đến 01-05-1974 có gần một triệu độc giả kể cả người lớn và trẻ em đến thư viện. Thư viện Quốc gia mở cửa mỗi ngày từ 08 giờ đến 20 giờ. Số người đến Thư viện quá đông, trong khi chỗ ngồi để đọc sách vẫn còn giới hạn. Vì vậy, ông Giám đốc Thư viện Quốc gia dự định nếu có ngân khoản, sẽ xúc tiến việc che mái trên sân thượng của lầu hai và mua thêm bàn ghế để có thể đón thêm khoảng 1.000 người đến đọc sách. Từ tháng 11-1973 Thư viện Quốc gia thực hiện chương trình chiếu phim dành cho nhi đồng vào mỗi sáng chủ nhật và trung bình mỗi tuần có khoảng 1.000 em tham dự. Ngoài ra còn có chương trình kể chuyện cổ tích và sinh hoạt dành cho trẻ em vào mỗi thứ năm hàng tuần. Phòng vi phim của Thư viện Quốc gia được trang bị những máy móc tối tân, trị giá khoảng 20.000 USD để chụp vi phim các tài liệu quí hiếm sắp mai một giúp bảo quản lâu dài, in ra nhiều bản để phân phối cho các thư viện trong nước, bán cho các thư viện nước ngoài để phổ biến văn hóa và gây quỹ cho Thư viện Quốc gia. Khả năng của các máy này có thể chụp và rửa phim chứa một cuốn sách 400 trang trong 1 giờ. Ngoài ra, thư viện còn có máy đọc vi phim có thể chỉnh đến những đoạn cần nghiên cứu; phóng lớn chữ để dễ đọc. Phòng vi phim của Thư viện Quốc gia được thiết lập đầu năm 1973 với sự trợ giúp của Cơ quan Văn hóa Á Châu về trang bị máy móc và nhân viên được gởi đi tập huấn chuyên môn ở nước ngoài có thể được xếp vào hạng tối tân nhất tại miền Nam lúc bấy giờ. Thư viện Quốc gia là thư viện duy nhất ở miền Nam có một phòng kỹ thuật được trang bị đầy đủ và hiện đại, có phương pháp tổng kê phân loại áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Từ tháng 08-1960 đến năm 1975 Thư viện Quốc gia thiết lập mối quan hệ trao đổi tài liệu với các thư viện trong nước đồng thời đẩy mạnh việc trao đổi tài liệu với 41 cơ quan thuộc các quốc gia trên thế giới và đặc biệt là việc thực hiện hai thỏa hiệp với Mỹ ký ngày 04-4-1961 và với Anh ký ngày 30-11-1962. Ấn phẩm công và tài liệu chính phủ được trao đổi trong khuôn khổ Qui ước giữa các quốc gia trong UNESCO.
Thư viện đảm nhiệm vai trò làm gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, một tương lai được xây dựng trên truyền thống của quá khứ và được bồi dưỡng bằng chất liệu của hiện tại như ẩn ý của ba bức tranh sơn mài khổ lớn của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí, hiện vẫn được trang trí tại các phòng đọc của thư viện, thiết kế ban đầu, góp phần tô đậm sứ mạng của Thư viện Quốc gia trong việc giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc.
Ðây là một công trình văn hóa có quy mô lớn, tráng lệ và đúng quy cách vào loại bật nhất Ðông Nam Á lúc bấy giờ.
* Giai đoạn 01-05-1975 - 2000
Thư viện Quốc gia Sài gòn được tiếp quản, kho tài liệu từ hơn 100 năm được giữ nguyên vẹn. Tổng số sách báo tạp chí lúc bấy giờ khoảng 200.000 đơn vị. Sau vài tháng chọn lọc, sắp xếp, tổ chức đến tháng 9 năm 1975, thư viện mở cửa phục vụ bạn đọc rộng rãi, với số lượng lớn sách báo được hỗ trợ thêm chủ yếu từ Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng vốn tài liệu choThư viện Sài gòn kết nghĩa trong những năm đấu tranh thống nhất đất nước, Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương, một phần từ sự đóng góp của các nhà trí thức lớn, các cơ quan, các ban, ngành, các đoàn thể và các thư viện khác. Ðáp ứng nhu cầu tìm đọc sách báo xã hội chủ nghĩa của nhân dân vùng mới giải phóng và góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị về giáo dục tư tưởng, phổ biến đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.
Trong thời từ 12-1975 đến 1977, ở Thành phố Sài gòn còn có: Thư viện kết nghĩa Hòa Bình, hoạt động với tư cách là Thư viện Thành phố đặt ở Quận Bình Thạnh. Vốn tài liệu ban đầu gồm 10.000 bản (doTV tỉnh Hòa Bình tặng) và 20.000 bản (do TV TP. Hà nội tặng ). Ðược sự giúp đỡ của TV tỉnh Hòa Bình, 10 anh chị em TV kết nghĩa Hòa Bình bắt tay ngay vào công việc xây dựng mạng lưới thư viện quận huyện thành phố. Năm 1977, Thư viện này sáp nhập vào Thư viện Quốc Gia II. Năm 1978 TVQG II nhận thêm vốn tài liệu của TVKHKT.TP và trở thành TV trung tâm đứng đầu mạng lưới các TV công cộng tại TP.HCM. Cũng trong thời gian này, xe thư viện lưu động của TVKHTH TP họat động đúng tiêu chuẩn và phù hợp với các đối tượng phục vụ, bám sát nhiệm vụ chính trị, đưa sách báo đến tận vùng biên giới Tây Nam, vùng sâu vùng xa như: Căn cứ Dương Minh Châu, các nông trường TNXP, các đơn vị thuộc Quân Khu 7, Thủy Ðiện Trị An, Khu Công nghiệp Biên Hòa v.v.…
Thư viện KHTH, dù chỉ do TP.HCM quản lý, nhưng vẫn được xem là thư viện lớn tầm cỡ quốc gia, bên cạnh các thư viện lớn khác của cả nước như thư viện Quốc gia, thư viện Khoa học Kỹ thuật trung ương , thư viện Khoa học Xã hội trung ương ở Hà nội .
Hiện tại vốn tài liệu của thư viện được bổ sung phong phú và đa dạng từ nhiều nguồn. Ðặc biệt thư viện có bộ sưu tập khá đầy đủ xuất bản phẩm in ở Ðông dương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, các tài liệu xuất bản trong vùng tạm chiếm, những năm chống Pháp và Mỹ (1954-1975). Nhiều tài liệu trong số đó hiện trong nước chỉ có ở TV KHTH TP.HCM. Ngoài ra TV còn có một số tài liệu về các nước Ðông Nam Á. Một số tài liệu qúi hiếm trải qua thời gian phục vụ đã giòn nát cần phải có chế độ bảo quản đặc biệt như là di sản văn hóa của thành phố.
Thư việnthực hiện công tác thông tin-thư mục: làm thư mục chuyên đề, thư mục địa chí TP. Hồ Chí Minh, xuất bản tờ Thông tin Thư viện phía Nam (lưu hành nội bộ), bản tin phục vụ lãnh đạo, mục lục liên hợp sách tạp chí, mục lục liên hợp sách xuất bản của các tỉnh phía Nam, thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm sách theo chuyên đề nhân các ngày lễ, cung cấp tài liệu cho các TV tỉnh làm thư mục địa chí, thư mục chuyên đề. Về nghiệp vụ, thư viện là nơi tổ chức và thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề cho các thư viện cơ sở và thư viện các tỉnh.Trong quan hệ trao đổi, thư viện là đơn vị ký gởi (deposit library) của UNESCO (1987-1993), Ngân hàng thế giới (WB),Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), Trung tâm Nguyên tử lực Quốc tế (IAEA), có quan hệ nghiệp vụ với hơn 43 thư viện và cơ quan thông tin, trường đại học của 16 quốc gia, thông qua đó,hàng năm thư viện nhận được số tài liệu nước ngoài trị giá hàng trăm triệu đồng, trong đó có nhiều tài liệu quý cho công tác nghiên cứu.
Trong toàn bộ hoạt động của mình, TVKHTH TP.HCM luôn phải mang hai hai đặc tính: là một thư viện khoa học lớn tầm cỡ quốc gia nằm ở khu vực phía Nam đất nước và là thư viện trung tâm của mạng lưới thư viện công cộng TP.HCM.

Với vai trò và vị trí như trên, một yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với thư viện là phải nâng cao chất lượng phục vụ các yêu cầu nghiên cứu, tham khảo của đông đảo bạn đọc không chỉ trong nước mà còn cả độc giả nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu các tài liệu xưa và nay. Ðể đáp ứng yêu cầu này và nhằm nâng cấp thư viện lên kịp với trình độ của các thư viện trên thế giới, thư viện KHTH đã xây dựng kế hoạch nâng cấp về mọi mặt đến năm 2005.
Trong mỗi bước phát triển của thành phố, Thư viện KHTH TP.HCM luôn nỗ lực để đảm đương các vai trò:
- Thư viện trung tâm của thành phố có nhiệm vụ xây dựng, bảo quản và tổ chức khai thác vốn tài liệu về mọi lĩnh vực cả trong và ngoài nước.
- Trung tâm văn hóa, dùng sách báo tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước cho đối tượng sử dụng thư viện.
- Trung tâm thông tin hỗ trợ học đường và nghiên cứu bằng việc tổ chức tốt các dịch vụ, nguồn lực và phương tiện của thư viện để đáp ứng các nhu cầu đa dạng từ việc nâng cao dân trí, hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ các học giả, các nhà nghiên cứu thực hiện các đề tài có chiều sâu, đầu tư vào các lĩnh vực chuyên ngành và sáng tạo kiến thức mới đến việc cung cấp kịp thời các thông tin chính xác và hữu dụng cho người sử dụng.
- Thư viện trung tâm chịu trách nhiệm xây dựng, chỉ đạo thực hiện, phát triển mạng lưới thư viện nội ngoại thành, thúc đẩy phong trào đọc sách ở cơ sở.
- Cơ quan hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho thư viện các tỉnh phía Nam.
- Một trong những đầu mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực thư viện thông tin để trao đổi tài liệu, nâng cao nghiệp vụ, tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực thư viện.
Những năm gần đây, Thư viện có những bước phát triển mới, từ tháng 9-1994, các phòng đọc sách của thư viện đều tổ chức kho mở (tự chọn), giúp người đọc rút ngắn thời gian tìm, chọn tài liệu. Phòng đọc đa phương tiện ra đời với sự tài trợ của Tổng Lãnh sự quán Pháp. Số lượng máy móc chưa nhiều nhưng đã giúp bạn đọc sử dụng các phương tiện nghe nhìn để tra cứu tư liệu và học ngoại ngữ. Bạn đọc đến thư viện và tài liệu được sử dụng ngày một tăng. Tháng 9-1999, để mở rộng diện phục vụ và nhân kỷ niệm kỷ niệm 300 năm Sài gòn-TP.Hồ Chí Minh, thư viện khánh thành phòng đọc dành cho người khiếm thị, được trang bị 5 máy vi tính, 2 scanner, 2 máy in chữ nổi và một số phần mềm chuyên dụng (Dự án do Bộ văn hóa và thông tin; UBNDTP; Tổ chức FORCE FOUNDATION; Các nhà nghiên cứu và Việt Kiều tài trợ). Tháng 10 năm 2000 TV KHTHTP được Học viện Harvard-Yenching tài trợ ban đầu xây dựng và tổ chức phòng bảo quản tài liệu với một số trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến.
Từ 1990 đến nay từng bước tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, với mục tiêu hiện đại hóa thư viện, công tác biên mục, tra cứu (OPAC), quản lý báo tạp chí.v.v.. được thực hiện bằng phần mềm quản lý thư viện CDS/ISIS. Hiện nay, Thư viện KHTH TP được trang bị 43 máy vi tính. Bạn đọc có thể tra cứu trên mục lục truyền thống (bằng phiếu) hoặc trên máy tính. Hiện có 16 cơ sở dữ liệu với hơn 200.000 biểu ghi, trong đó có 4 cơ sở dữ liệu với hơn 110.000 biểu ghi dành cho bạn đọc tra cứu thường xuyên.
Thư viện luôn quan tâm tìm kiếm tài trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức. Từ 1983-2000, khoảng 600 lượt cán bộ, nhân viên được cử đi đào tạo về mọi mặt , ở nhiều cấp , trong và ngoài nước , không kể những lần đi dự hội nghị, hội thảo quốc tế hay kết hợp với bạn tổ chức các hội thảo quốc tế và khu vực trong lĩnh vực chuyên môn.
Thư viện KHTH TPHCM được Bộ VH-TT và Thư viện Quốc Gia giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động và hỗ trợ về nghiệp vụ cho 29 thư viện tỉnh thành và đồng thời là trung tâm mạng diện rộng của hệ thống thư viện phía Nam. Thư viện phối hợp với Thư viện Quốc gia, Trung Tâm Thông tin TLKH&CNQG, trường Văn hóa Nghệ thuật TP, Liên hiệp Khoa học Sản xuất Công nghệ Phần mềm (CSE) mở nhiều lớp tập huấn về sử dụng mạng, về CDS/ISIS, về hệ điều hành UNIX.Thường xuyên hỗ trợ giải quyết những vướng mắc trong việc nối mạng và khai thác mạng diện rộng. Hội đồng Khoa học Thư viện tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ do các giảng viên nước ngoài phụ trách và những buổi báo cáo của cán bộ Thư viện được cử đi tu nghiệp nước ngoài .
Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, lãnh đạo thư viện còn cử cán bộ nhân viên tham gia giảng dạy tại các khoa thư viện của các trường đại học, cao đẳng, hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp và thực tập về nghiệp vụ thư viện .
Việc thực hiện nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp thư viện đã đưa lại những kết quả tốt đẹp tại TP.HCM. Ðiều đó thể hiện ở chỗ khi Thư viện Quốc gia II được Bộ Văn hóa chuyển giao cho UBND TP, TVKHTH một mặt đã được gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của thành phố, mặt khác vẫn được đảm bảo để phát triển và hoạt động như một thư viện khoa học lớn trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Nhờ sự lãnh đạo và quản lý tập trung của chính quyền thành phố, Thư viện đã được tạo điều kiện để tập hợp khối lượng lớn các tài liệu nằm tản mạn ở nhiều nơi, hình thành nên vốn tài liệu cho thư viện trung tâm và quy tụ được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, đủ sức chủ động tạo ra những bước đột phá và đưa thư viện phát triển qua các thời kỳ . Chính vì vậy mà TV KHTH TP. HCM luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong các thời kỳ chuyển đổi lớn trong sự nghiệp thư viện nước ta.
Ðặc điểm này thể hiện rõ trong quá trình hiện đại hóa bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thư viện sớm nhất trong cả nước. Ngay từ cuối những năm 70, trong những năm 80, thư viện đã nghĩ đến và đã có những thử nghiệm sử dụng máy tính vào công tác xử lý tài chính. Ðến đầu những năm 90, khi được nhà nước đầu tư , Thư viện có những bước tiến nhanh trên con đường tin học hóa. (nhận xét của nguyên GÐ TVQGVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét